“PHƯỢT” LÀO LÊ LA HÝ

QUYẾT ĐỊNH ĐI TRONG VÒNG… HAI PHÚT, CHÚNG TỚ CÓ… HAI TIẾNG ĐỒNG HỒ TRẢI NGHIỆM HÈ KHÁC BIỆT Ở NƯỚC BẠN XINH ĐẸP.

 

SANG LÀO DỄ NHƯ…ĐI CHỢ

Đừng thắc mắc vì sao tớ có thể “liều lĩnh” thế, âu cũng là vì “vị trí địa lý thuận lợi”. Cách  Xavannakhet – một tỉnh be bé xinh xinh đúng 18 cây số, việc “xuất ngoại” đối với teen Hướng Hóa, Quảng Trị chúng tớ rất đơn giản. Chỉ cần bạn có CMND + không mang các thể loại vũ khí, đồ ăn trái phép là okie. Thành ra qua Xavannkhet chơi gần như là một “thủ tục” vui vui khi bạn có chứng minh thư, kiểu như… tiệc trưởng thành í.

Cửa khẩu Lao Bảo đối diện với cửa khẩu Lào, phải nói là đẹp mê ly. Mỗi cổng đều đậm bản sắc văn hóa riêng! Chúng tớ đã tranh thủ chụp một loạt hình bay, trông cực “nghệ thuật” vì khung cảnh quá lạ. Cũng đừng quên nghía cột mốc tình anh em Việt – Lào, tất cả vừa được tu sửa mừng ngày Giải phóng Quảng Trị.

XAVANNAKHET NGÀY NẮNG…

Không có các khu trung tâm mua bán, không có các cửa hiệu sầm uất, Xavannakhet thu hút với các quán be bé nhưng được trang trí cực ấn tượng. Nhịp sống ở đây rất chậm, nhẹ nhàng. Cây xanh cực nhiều, còn nguyên vẻ hoang sơ, cảm tưởng như mình là người đi khai phá vùng đất mới í! Tất tật hàng quán đều ghi bằng tiếng Việt với những cái tên ngộ nghĩnh như: Quán bùn bò (bún bò ạ), bà La Khát hay Su Bát (chúng tớ tò mò vào xem mới biết đó là nơi…xem bóiJ).

Các khu chợ trời luôn nhộn nhịp, một góc sôi nổi hiếm hoi của Xavannakhet. Bạn có thể chọn mua vòng tay man mắn, búp bê cầu mưa, dao (được thiết kế cực lạ mắt với những dòng chữ theo bác bán hàng là “lời chúc may mắn” cho người sở hữu), quần áo cho các nàng với màu sắc đậm chất Lào: Rực rỡ, tươi vui, hoa văn thổ cẩm cực lạ. Thậm chí tớ còn kịp tia được một em củ cải bông hệt như trong phim Hoàng tử gác mái luôn í!

Đừng quên dành ít phút chiêm ngưỡng dòng sông Sê Pôn hùng vĩ chảy dài hai miền biên giới. Nước sông trong veo. Đối với người Lào, đây là một trong những con sông linh thiêng, phù hộ cho việc buôn bán được xuôi chèo mát mái.

Người Lào vừa dễ thương vừa vui tính, lại nói tiếng Việt cực sõi. Gặp khách mua hàng là hỏi ngay: “Người Việt hả? Bên đó thế nào? Có bán mấy thứ này không?”. Thi thoảng tớ còn nghe tiếng nhạc Việt mở trong các quán cà phê nho nhỏ, thậm chí còn dán hình từ thuở xa xưa của chị Myta nhà mình nữa kìa.

 

ẨM THỰC LÀO – TRÊN CẢ TUYỆT VỜI

Thức ăn Lào cực lạ, đa số ăn bằng…tay, nên đừng quên rửa tay trước khi ăn đấy! Chúng tớ mê mẩn món bò xoay – thịt bò được cắt thành những miếng nhỏ, nướng rồi giắt vào những sợi dây được cuộn thành vòng tròn. Vị đậm đà của bò kết hợp cùng hương ngai ngái, đăng đắng của loại rau lạ đảm bảo sẽ không thể dừng lại ở một xiên được.

Cũng không thể bỏ qua xôi Lào, nấu từ nếp dẻo ngọt, nhân bên trong là những miếng thịt gà được nướng thơm lừng, thêm chút hành phi. Hay như cơm làm-vừa rẻ, vừa ngon, ăn ngộ ngộ khi bên trong không phải gạo trắng mà là nếp đen, thơm ngọt gì đâu! Ngoài ra còn có nộm Lào – cay xè, chè thập cẩm – với loại đậu hạt to ngọt bùi…

Khi nhịp sống vẫn cứ xô bồ, vội vã, một chút lắng đọng ở Xavannkhet như một nốt lặng cần thiết. Để cảm nhận được chút gì thật lạ đang lớn lên trong tâm hồn mình…

TIP TIP CHO BẠN NÈ!

–         Trên đường đi đến cửa khẩu, bạn có thể ghé chơi hai thị trấn xinh đẹp không kém: Lao Bảo và Khe Sanh. Hàng hóa ở đây đều được miễn thuế nên yên tâm mua sắm thả phanh. Chưa kể có rất nhiều món ăn ngon như bánh canh thịt vịt, chè cung đình, kem ký…

–         Thời tiết ở Lào mùa hè khá nóng, khô nên chuẩn bị kỹ lưỡng kem chống nắng nếu không muốn biến thành…cục than di động nhé!

NINJA C

TỚ LÀ CON CỦA 6 GIA ĐÌNH!

Mỗi khi đặt chân đến một quốc gia nào, tớ luôn tìm cơ hội để có thể homestay tại một gia đình bản địa. Và tớ có tới 6 gia đình trên quả đất này ^^!

Nhập gia tùy tục

+ Lần homestay ở Nhật Bản tớ hồi hộp lắm. Nhà bố mẹ nuôi tại Fukuoka là gia đình trung lưu, có hai cô con gái đáng iu cực kì, Miako 15 tuổi và Mayko 11 tuổi.

“Nhà tớ” là một ngôi nhà hai tầng nhỏ nhắn, tớ ở trong một căn phòng xinh xắn đúng “chất” Nhật. Phòng ngủ trải chiếu, giường ngủ là tấm đệm thơm tho bình thường được gấp gọn gàng đặt trên sàn, khi ngủ mới được trải ra. Bên cạnh là chiếc bàn uống trà đạo. Cửa kéo làm bằng giấy và giữa phòng là chiếc đèn hình vuông giật dây. Trong phòng, những chiếc đĩa có in hình con gấu hay cái gác đũa có hình con cua be bé, cái gì cũng dễ thương và cứ y như phòng của Xuka trong truyện ý. Miako kể là mẹ đã dành cả ngày dọn dẹp nhà cửa để đón tớ đến ở. Toilet trong nhà rất hiện đại, có đến 3 chức năng tự động rửa sạch, làm ấm, tạo tiếng ồn nước chảy róc rách. Tớ cực kì bồ kết anh chàng WC tiện lợi này! Hehe.

+ Trước khi đến Brunei, tớ được căn dặn đây là quốc gia Hồi giáo nên phải ăn mặc kín đáo, tất tật các loại quần soóc, váy ngắn, áo ba lỗ đều bị cho là hở hang, khiêu gợi.

Thế là suốt 3 ngày homestay tớ luôn “đóng lôcốt” trong quần jeans dài + áo phông. Nói thêm là đất nước Brunei dù nhỏ bé nhưng rất giàu có vì có trữ lượng dầu mỏ lớn, trung bình mỗi gia đình có khoảng…8 chiếc ô tô.

Lần này tớ homestay trong một gia đình có đến 30 người, họ sống  ở “WaterVillage” (làng trên sông). Tớ thậm chí không nhớ nổi mặt của tất cả các thành viên trong gia đình, trẻ con lít nhít chạy ra chạy vào suốt ngày. Ngôi nhà nằm ngay trên sông, đằng sau là núi, mỗi khi muốn lên đất liền chơi phải đi canô mà người Brunei gọi “Water taxi”.

Theo phong tục của người theo đạo Hồi, cứ 4h30 sáng là bố nuôi tớ đã dậy để lầm rầm cầu nguyện (khi đó tớ vẫn nằm kềnh trên giường khò khì). Vì là quốc gia theo đạo Hồi với những luật lệ nghiêm khắc nên ở Brunei cấm uống rượu bia, phụ nữ khi ra đường phải quàng khăn, không có night club…nếu ai vi phạm những điều trên có thể bị vào tù. Thế nhưng bố nuôi tớ kể là ngày lễ Giáng sinh hoặc cuối năm thì bố thường lái xe sang Malaysia chơi để uống rượu và đón năm mới ở night club. Cứ khoảng 2 tháng thì bố bay sang Singapore shopping, đặc biệt là vào mùa sale off.

+ Tớ đến Phillippines đúng vào dịp Noel. Hầu hết người Phillippines theo đạo Thiên Chúa nên Giáng sinh là mùa lễ hội lớn nhất trong năm. Nhà nào cũng trang hoàng cây thông Noel to hoành tráng và đèn chữ nhấp nháy rực rỡ kết hình con tuần lộc.

Trong nhà bố mẹ nuôi dành hẳn một bàn lớn ở vị trí trang trọng nhất để bày ảnh và tượng Chúa Jesu. Trước mỗi bữa ăn, cả nhà đều nhắm mắt cầu nguyện và cảm ơn Chúa đã che chở ban thức ăn.

Điều đặc biệt nhất ở Phillippines là không-được-li-dị và được ghi rõ ràng trong luật hẳn hoi. Tớ ngạc nhiên hỏi: “Nếu lấy nhau mà không hợp muốn bỏ thì làm thế nào?”. Mẹ nuôi giải thích: Thiên Chúa Giáo được coi là quốc giáo, và nhà thờ chống lại việc li dị. Nếu lấy nhau mà không hạnh phúc thì có thể không sống chung nhà nhưng theo luật pháp họ vẫn là vợ chồng và không được phép kết hôn lần 2. Mẹ nuôi tớ cười lớn: “Trước khi kết hôn thì bố mẹ phải nghĩ đi nghĩ lại đến cả trăm lần í”.

Những món ăn lạ!

+ Lạ nhất là kiểu ăn thịt bò nhúng trứng gà sống của người Nhật. Bữa tối, mẹ nuôi đãi cả gia đình món lẩu. Ban đầu tớ “tá hỏa” khi phải nuốt trứng gà sống nhưng ăn xong thấy ngon tuyệt cú mèo. Nhem nhem! Miếng thịt bò thơm mềm sau khi trần qua trong nồi lẩu sẽ nhúng vào một bát trứng sống. Về Việt Nam có lần tớ định biểu diễn món này cho papa mama ăn thử nhưng lại sợ H5N1…hic hic. T_T

+ Sang đến Indonesia thì tớ học thêm văn hóa: Ăn bốc! Món ăn truyền thống của người Indo nêm rất nhiều gia vị cari nên tớ không hợp khẩu vị lắm. Bữa trưa, mẹ nuôi bày la liệt trên bàn nào thịt gà, thịt bò, cá, mực, tôm…nhiều đến nỗi các đĩa thức ăn chồng lên nhau thành 2 tầng mới đủ chỗ để.

Người Hồi giáo chỉ dùng tay phải để bốc thức ăn. Theo quan niệm của họ tay trái chỉ dùng làm những việc bẩn (ví dụ như đi vệ sinh í). Bố nuôi cực kì iu quý tớ nên ra sức ép tớ ăn món óc bò với nước sốt cari lõng bõng…huhu.

+ Người Brunei ăn cực-kì-nhiều, họ ăn…7 bữa một ngày. Trong nhà lúc nào cũng thừa mứa đủ loại đồ ăn vặt như bim bim, đậu xanh, hạt điều, bánh ngọt và phải có gần chục loại đồ uống, nước hoa quả, sữa tươi, chè…cứ đói lúc nào thì mở tủ lạnh ra ăn. Thảo nào tớ thấy trong gia đình bố mẹ nuôi ai trông cũng rất đầy đặn. hì hì.

Tối hôm đó đi chơi khuya, tớ đang gà gật ngủ trên ô tô thì mẹ nuôi Brunei đánh thức và bảo…nhà mình đến nhà hàng ăn tiếp. Trời, lúc đó kim đồng hồ chỉ 12h đêm còn tớ no căng. Những tớ vẫn quyết tâm lên đường để bố mẹ nuôi vui lòng. Chỉ ở Brunei có 3 ngày mà tớ lúc nào cũng trong tình trạng no lặc lè, về tăng hằn 1 kí! :p

Món ăn truyền thống của Brunei là Ambuyat (một loại súp màu trắng dẻo dẻo dính dính như sắn bột. Dùng một loại đũa đặc biệt để xoắn một miếng rồi chấm nước sốt cá cay nóng. Sau đó bạn phải nuốt chửng mà tuyệt đối không được nhai).

Những nhầm lẫn ngôn ngữ dễ thương

Cậu bạn Acai, người Brunei, hỏi tớ: “I love you” trong tiếng Việt nói thế nào? Tưởng nó địn cưa cẩm cô bạn người Việt nào nên tớ dạy là “Anh yêu em”. Về homestay ở Việt Nam, anh chàng le te chạy đến trước mặt mẹ nuôi của anh chàng và dõng dạc nói: “Mẹ ơi, anh yêu mẹ!”. Mẹ nuôi “chết ngất”, mọi người trong nhà thì cười bò lăn bò toài. Hóa ra Acai định nói là “Mẹ ơi, con yêu mẹ lắm!”. Đúng là bất đồng ngôn ngữ nên nhiều khi xảy ra tình huống dở khóc dở cười.

Những ông bố bà mẹ luông mong tớ “trở về”

Đến khi về đến Việt Nam tớ tìm thấy là thư do bố nuôi Nhật Bản gửi. Một lá thư dài, bố nuôi viết rằng: “Có những người mình chỉ gặp một lần trong cuộc đời, bố sẽ làm tất cả để những phút giây đó trở thành những kỉ niệm đẹp nhất. Cánh cửa luông rộng mở để chào đón con, bất cứ khi nào con có dịp quay trở lại Nhật Bản, hãy cho bố biết. Đừng bao giờ từ bỏ giấc mơ của mình cho đến khi nó trở thành hiện thực con nhé!”.

Trong phong bì, bố để một đồng xu 5 yên. Theo quan niệm của người Nhật Bản, đồng xu 5 yên này sẽ đem lại nhiều may mắn. Tớ khóc ào ngay lúc đó, nhớ bố mẹ nuôi  và ngôi nhà bé nhỏ ở Fukuoka quá.

Và rồi tớ mỉm cười khi nghĩ rằng, trên thế giới này có tới 6 gia đình luôn mong chờ tớ “trở về”!

Lan Hương